Tiền sản giật là một bệnh lý xảy ra với phụ nữ mang thai ở giai đoạn cuối thai kỳ, có thể để lại những biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Vậy tiền sản giật là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ mẹ và bé cũng như cách phòng ngừa và điều trị căn bệnh này như thế nào?
Các mẹ hãy cùng Blog Thai Giáo Tai Nghe Thai Nhi Tiptop Kid Music tìm hiểu nhé!
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng xuất hiện do các cơ quan bị giảm tưới máu vì mạch máu co thắt và nội mạch phù dày thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ (từ tuần 20 trở đi) với 3 triệu chứng: Tăng huyết áp, protein niệu và phù. Những phụ nữ bị cao huyết áp hoặc nồng độ protein trong nước tiểu cao dễ bị tiền sản giật hơn, nhưng có trường hợp phụ nữ mang thai dù có huyết áp bình thường cũng có thể bị tiền sản giật vào tuần 21 thai kỳ.
Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Giai đoạn sản giật có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua tuỳ mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Nguyên nhân gây tiền sản giật?
Cho đến nay các bác sĩ và các chuyên gia y tế vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân của bệnh tiền sản giật. Một trong những nguyên nhân được cho là do nhau thai – cơ quan nuôi dưỡng thai nhi trong thai kỳ. Trong giai đoạn đầu, mạch máu bắt đầu phát triển để đưa lượng máy đầy đủ đến nhau thai. Ở những thai phụ bị tiền sản giật, những mạch máu đó phát triển không đầy đủ, hẹp hơn các mạch máu bình thường và đáp ứng không đủ các kích thích nội tiết tố, từ đó khiến số lượng máu giảm dần.
Một số yếu tố khác góp phần dẫn đến sự xuất hiện của tiền sản giật bao gồm:
- Thai phụ bị 1 số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da) trước đó.
- Có người thân trong nhà như bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột… bị tiền sản giật.
- Bị béo phì, thừa cân trong thai kỳ.
- Phản xạ trong căng tử cung trong đa thai, thai to.
- Thiếu máu cục bộ tử cung – nhau.
Các triệu chứng của tiền sản giật?
Tăng huyết áp: Đây là dấu hiệu sớm nhất của bệnh tiền sản giật
- Huyết áp tối đa lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90mmHg (đo 2 lần cách nhau ít nhất 4 giờ khi nghỉ ngơi, xảy ra 20 tuần tuổi thai ở phụ nữ có huyết áp bình thường trước đó)
- Những trường hợp có huyết áp tăng tối đa hơn 30mmHg hoặc huyết áp tối thiểu tăng hơn 15mmHg so với trị số huyết áp có thể bị tiền sản giật.
- Huyết áp càng cao, tiền sản giật càng nặng.
- Huyết áp tâm thu từ 160mmHG hoặc huyết áp tâm trương từ 110mmHg phải được xác định nhanh chóng để sử dụng thuốc hạ áp kịp thời.
Protein niệu
Protein niệu dương tính khi Protein lớn hơn 0,3g/l/24h hoặc trên 0,5/l/mẫu nước tiểu ngẫu nhiên.
Phù: Phù trắng, mềm, ấn lõm
Cần phân biệt giữa phù sinh lý và phù bệnh lý.
- Phù sinh lý: ở thai kỳ bình thường trong 3 tháng cuối, chỉ phù nhẹ ở chân, phù về chiều, nằm nghỉ kê cao chân sẽ hết.
- Phù bệnh lý: khi phù toàn thân, phù từ sáng, kê cao chân không hết. Nặng có thể phù tràn dịch màng phổi, phù não.
Phát hiện phù bằng cách ấn trên nền cứng kèm theo biểu hiện mẹ tăng cân nhanh và nhiều >500g/tuần hay 2250g/ tháng. Thường kiểm tra ở mu chân, mu tay, mặt trước xương chậu.
Cần phân biệt với phù tím, phù thận, phù dinh dưỡng, phù giun chỉ.
Xem thêm: Không nên chủ quan với hiện tượng phù chân khi mang thai
Các triệu chứng kèm theo, thể hiện tiền sản giật nặng
- Thiếu máu: mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt
- Dấu hiệu tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, hạ sườn phải
- Dấu hiệu thần kinh: Đau vùng chẩm, thuốc giảm đau không đỡ, lờ đờ.
- Dấu hiệu thị giác: Hoa mắt chóng mặt, sợ ánh sáng, giảm thị lực
- Dấu hiệu tràn dịch đa màng: Bụng, tim, phổi
Tiền sản giật nguy hiểm như thế nào?
Tiền sản giật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng rất nặng nề với bà bầu và thai nhi.
Với mẹ
- Phù não, xuất huyết não – màng não.
- Phù võng mạc, mù mắt.
- Suy thận cấp.
- Chảy máu dưới bao gan, vỡ gan, suy gan.
- Suy tim cấp, phù phổi cấp.
- Rối loạn đông – chảy máu, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch.
- Tăng huyết áp mạn, viêm thận mạn.
Với thai nhi
- Thai chết lưu.
- Thai non tháng và suy dinh dưỡng.
- Tử vong sơ sinh ngay sau đẻ.
Phòng ngừa và điều trị tiền sản giật như thế nào?
Hiện nay chưa có phương pháp và thuốc đặc trị bệnh tiền sản giật, vì vậy việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Để b, các mẹ hãy thực hiện 1 số biện pháp sau:
- Đăng ký quản lý thai nghén. Bác sĩ sẽ chẩn đoán tiền sản giật bằng cách kiểm tra huyết áp và xét nghiệm protein trong nước tiểu mỗi lần khám thai.
- Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng: chất đạm, Omega 3, Canxi, Vitamin D…
- Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, chống béo phì
- Giữ ấm cơ thể
- Phát hiện sớm, điều trị kịp thời nếu mẹ thuộc các trường hợp có nguy cơ cao để ngăn tiền sản giật
- Chăm sóc liên tục trong suốt thời kỳ thai sản
- Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật khi 12-14 tuần để dùng thuốc dự phòng khi có nguy cơ cao.
Khi chẩn đoán và phát hiện tiền sản giật, tuỳ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Các bà bầu tiền sản giật nhẹ có thể được điều trị tại nhà và phải áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn nhạt) đồng thời cần kết hợp nghỉ ngơi với tư thế nằm nghiêng về bên trái để giúp máu qua thai nhi dễ dàng hơn. Kiểm tra nước tiểu theo chỉ dẫn của bác sĩ và báo cho bác sĩ khi bị sưng tay, chân, mặt hoặc hoa mắt, đau đầu, đau bụng. Gọi ngay cho bác sĩ nếu tăng hơn 1,4kg trong vòng 24h mẹ nhé.
Trong trường hợp tiền sản giật nặng và nguy hiểm tới cả mẹ và bé, không đáp ứng với điều trị hoặc xảy ra sản giật thì cách duy nhất là chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai (phẫu thuật sinh sớm).
Như vậy, tiền sản giật là một căn bệnh nguy hiểm xảy ra trong thai kỳ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, khi mang bầu, các mẹ cần hiểu rõ về sức khoẻ của mình, thường xuyên theo dõi, thăm khám sức khoẻ định kỳ để chủ động phát hiện và điều trị kịp thời khi có nguy cơ bị tiền sản giật. Khi có những triệu chứng bất thường, mẹ hãy lập tức đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra và điều trị ngay nhé. Chúc các mẹ có một thai kỳ khoẻ mạnh và hạnh phúc!